Cách làm lẩu Thái thập cẩm

02 Tháng 08, 2021 13 phút đọc

Hướng dẫn cách nấu lẩu Thái thập cẩm tại nhà với các nguyên liệu chính như: thịt bò, xương ống heo, tôm, ngao, nấm

lẩu Thái thập cẩm
Lẩu Thái thập cẩm
Khẩu phần ăn: 4
Thời gian chuẩn bị: 1 giờ
Thời gian nấu: 30 phút

Nguyên liệu

  • Thịt bò: 500g
  • Tôm: 500g
  • Ngao: 300g
  • Lòng non: 200g
  • 1 túi nước cốt lẩu của Thái
  • Đậu phụ: 2 bìa
  • Xương ống heo: 400g
  • Cà chua: 5-6 quả
  • Dứa: 1/2 quả
  • Nấm rơm, nấm kim châm: 300g
  • Rau muống: 1 bó
  • Hành lá: 30g
  • Ngô ngọt: 1 bắp
  • Váng đậu: 1 bìa
  • Hành khô: 3-4 củ
  • Gừng: 1 củ
  • Sả: 3-4 nhánh
  • Nước mắm
  • Bột ngọt
  • Bột canh
  • Bún hoặc mì tôm ăn kèm
nguyên liệu làm lẩu Thái thập cẩm
Nguyên liệu

Lưu ý về nguyên liệu

Hiện nay để tiết kiệm thời gian và hỗ trợ những người thích ăn lẩu Thái có thể tự tay chế biến ngay tại nhà, ở các siêu thị hay tạp hóa đều bán sẵn gói nước cốt lẩu Thái, rất tiện dụng. Có rất nhiều loại với mức độ cay khác nhau để các bạn có thể chủ động lựa chọn. Giá bán của những gói cốt lẩu Thái này khá hợp lý, trung bình khoảng 20k. Tuy nhiên khi sử dụng gói gia vị lẩu Thái, bạn cần điều chỉnh nêm nếm gia vị cho phù hợp.

Cách làm

Sơ chế xương ống heo

sơ chế xương ống heo
Mặc dù sẽ sử dụng gói nước cốt lẩu Thái bán sẵn tuy nhiên cách làm nước lẩu thái ngon là nên ninh 1 ít xương ống heo trước khi cho gói lẩu vào và chế biến.

Thực tế, nếu không có nhiều thời gian thì các bạn có thể không dùng xương ống và nấu nước lẩu luôn. Tuy nhiên, nước lẩu thái được ninh từ xương sẽ ngọt và hấp dẫn hơn rất nhiều.

Xương ống mua về rửa qua với nước muối pha loãng, sau đó rửa lại để ráo rồi đem đi nướng qua. Mục đích của việc nướng qua xương sẽ giúp cho máu đỏ trong tủy chảy ra để xương bớt hôi và loại bỏ các tạp chất khác.

Theo đó, bạn cho xương vào lò vi sóng quay khoảng 3-5 phút ở nhiệt độ lớn, rồi mang đi cạo bớt lớp cháy đen bên ngoài, rửa sạch lại, để vào tô riêng.

Nướng 2 củ hành và 1 đốt gừng, lát sẽ cho vào chần cùng xương ống để làm sạch và khử mùi hôi của xương.

Sả rửa sạch, cắt làm đôi, đập dập.

Nấu 1 nồi nước sôi, thả hành gừng nướng và sả vào, thêm 1 thìa cà phê muối vào nấu cùng, khi nước sôi mới thả xương vào, chần xương trong khoảng 10 phút.

Trong quá trình chần xương bạn nên mở nắp nồi, để các chất bẩn bốc hơi bay ra ngoài.

Sau khi chần xong, vớt xương ra, rửa lại, đổ nước chần đi rồi thay nước mới, thả lại xương vào để ninh. Thời gian ninh xương có thể linh hoạt tùy vào điều kiện, tuy nhiên để nước lẩu ngọt và ngon thì ít nhất cũng phải ninh được từ 1-2 tiếng.

Khi ninh xương không nên cho gia vị, để xương tiết ra nước cốt ngọt thanh. Và cũng giống như lúc chần, khi ninh xương các bạn không nên đậy nắp. Nên cho nhiều nước, và càng ninh lâu thì nước xương càng ngọt. Thường thì đối với xương heo, thời gian ninh tốt nhất phải từ 6-8 tiếng. Nên nếu có thời gian thì các bạn có thể chủ động ninh xương trước.

Sơ chế thịt bò

ướp thịt bò
Thái và ướp thịt bò

Để nhúng lẩu, người ta thường chọn thịt bò phần ba chỉ/thăn cho mềm và ngọt. Nếu thích ăn giòn sần sật thì có thể chọn nạm gầu, diềm thăn, sụn non, bắp bò...

Thịt bò rửa qua rồi thái miếng mỏng, hoặc bạn có thể nhờ người bán hàng thái sẵn. Ướp thịt bò trong thời gian khoảng 30 phút với 1 ít dầu mè/dầu ăn, 1 chút đường, 1 ít nước tương/xì dầu hoặc dầu hào và 1 ít gừng băm cho thịt thơm mềm và đậm vị.

Sơ chế tôm

tôm và ngao
Sơ chế tôm và ngao

Tôm các bạn mua con còn sống để thịt được tươi. Hoặc nếu không mua được tôm sống, thì nên chọn con có vỏ bóng, các bộ phận như đầu đuôi và chân không bị lỏng lẻo hoặc rụng ra. Ấn vào thấy thân cứng, các khớp nối ở vỏ sáng, khoảng cách đều nhau và chắc chắn. Đây là những con tôm mặc dù không còn sống nhưng vẫn còn tươi.

Tôm mua về cắt râu, bỏ phần cặn bẩn ở đầu tôm và rút chỉ đen dọc thân tôm, rửa sạch rồi để ráo nước. Thực tế, khi ăn ở ngoài hàng, hầu như họ giữ nguyên tôm để nhúng lẩu, khi ăn mới bóc ra chứ không chế biến kỹ càng như khi mình ăn ở nhà. 

Tôm và thịt bò sau khi sơ chế sạch sẽ nên bọc lại và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để các nguyên liệu này giữ được độ tươi ngon.

Sơ chế ngao

Ngao chọn con nặng tay, vỏ bóng, không có mùi hôi thối và không bị dập nát. Nên chọn con đang há miệng nhưng khi chạm vào, ngao lập tức khép miệng, nghĩa là nó còn sống, thịt sẽ tươi.

Ngao mua về rửa qua 2-3 lần rồi đem ngâm trong nước. Để ngao nhanh nhả bùn đất và nhớt, bạn nên ngâm trong nước vo gạo, hoặc trong thau kim loại có cắt thêm vài lát ớt tươi. Ngâm ngao ít nhất trong 30-40 phút rồi mang đi rửa sạch lại nhiều lần. Để ăn lẩu thì ngao nên ngâm thật sạch, vì khi nhúng vào nồi, ngao sẽ không nhả ra bùn đất quá nhiều khiến cho nước lẩu bị đục và cặn bẩn.

Sơ chế lòng lợn

ướp lòng non
Lòng lợn xuất hiện trong nồi lẩu này là để dành cho cánh đàn ông vừa ăn lẩu vừa có thể nhâm nhi 1 chút với cốc bia hoặc chén rượu cay nồng. 

Nếu ăn thêm lòng, bạn cần chú ý một chút trong khâu sơ chế. Lòng non nên chọn lòng nhỏ, dày mình, màu trắng hồng tươi tắn, không có mùi thối, ấn vào thấy có độ đàn hồi. Lòng sau khi mua về rửa qua, nặn bỏ phần ruột trong cho khỏi đắng, rồi bóp với chút muối hạt và nước cốt chanh cho sạch sẽ. Rửa lại sạch rồi để ráo nước, sau đó ướp với 1 chút hạt tiêu và bột ngọt (nếu thích).

Nếu chưa ăn đến, sau khi sơ chế bạn nên bọc lòng lại và cho vào ngăn mát tủ lạnh để tránh lòng bị ôi thiu.

Sơ chế các nguyên liệu khác

sơ chế cà chua, ngô, cà rốt, hành, gừng
Sơ chế các nguyên liệu còn lại

Rau muống:

Rau muống nhặt sạch, ngâm qua nước muối loãng rồi rửa lại, để ráo. Để nhúng lẩu thì thường người ta dùng phần cuống rau muống hơn là phần lá để được giòn.

Ngoài rau muống, tùy sở thích mà bạn có thể dùng các loại rau khác. Theo đó, rau ăn lẩu thái rất đa dạng, có thể kể đến như rau cải thảo, bắp cải, rau cải chíp...

Nấm:

Nấm cắt bỏ phần gốc, rửa qua rồi ngâm với nước pha muối loãng trong khoảng 20 phút rồi vớt ra, để ráo.

Cà chua:

Cà chua rửa sạch, bổ múi cau.

Ngô:

Ngô lột vỏ, bỏ râu, rửa sạch rồi cắt khoanh nhỏ dày tầm 2-3 cm. 

Cà rốt:

Cà rốt gọt vỏ, cắt khúc dày khoảng 2-3cm, có thể tỉa hoa để nồi lẩu thêm đẹp mắt.

Dứa:

Gọt vỏ, bỏ mắt, rửa sạch và bổ làm  đôi. Với liều lượng như trên thì nồi lẩu chỉ cần 1/2 quả dứa là đủ. Bỏ lõi dứa và cắt thành từng miếng hình tam giác. 

Hành lá gọt bỏ rễ và cắt phần ngọn bị úa, rửa sạch rồi cắt thành làm 3, mỗi đoạn dài khoảng 3 đốt ngón tay.

Đậu phụ:

Đậu phụ rửa lại với nước, sau đó cắt miếng vừa ăn, lưu ý không nên cắt đậu phụ quá bé, khi nhúng lẩu sẽ bị nát.

Váng đậu:

Váng đậu cắt thành miếng vuông, bản to. Váng đậu nên dùng loại đã chiên, nhúng lẩu ăn sẽ giòn và ngon hơn.

Hành khô, gừng bóc vỏ, băm nhỏ.

Nấu lẩu thái thập cẩm

các bước nấu lẩu thái thập cẩm
Các bước nấu lẩu thái thập cẩm

Vớt xương ống ra khỏi nồi ninh nước lẩu, vẫn tiếp tục nấu ở nhiệt độ sôi tim.

Chuẩn bị 1 cái chảo khác, cho 2 thìa dầu ăn vào chảo, nóng dầu thì cho hành gừng băm vào phi thơm, rồi cho 1/2 lượng cà chua vào xào cùng. Tiếp đến cho 2/3 lượng dứa vào, nêm thêm 1 ít bột canh để dung hòa vị chua của cà chua và dứa. Xào thêm 1 phút nữa rồi trút hỗn hợp này vào nồi nước dùng. Lưu ý lượng nước lẩu khoảng 3,5 - 4 lít nước là vừa đủ để 4 người ăn.

Tăng nhiệt độ lên để nước dùng sôi, sau đó cho nước cốt của gói lẩu Thái vào. Khi nước bùng sôi trở lại thì nêm nếm gia vị vừa ăn (lưu ý nước lẩu hơi nhạt 1 chút, không nên nêm quá mặn, khi nhúng các nguyên liệu vào thì nước lẩu sẽ càng lúc càng đậm). Tiếp đến cho cà rốt và ngô ngọt vào ninh cùng.

gói nước dùng nấu lẩu thái
Một loại nước dùng nấu lẩu thái có bán ngoài siêu thị.

Nấu thêm khoảng 10 phút thì cho nốt phần cà chua và dứa vào, sau đó trút ra nồi lẩu chuyên dụng để bắt đầu ăn lẩu. Sở dĩ cho 1 phần cà chua và dứa vào sau để nồi lẩu được đẹp mắt và hấp dẫn hơn.

Nếu nhà có trẻ em và thích ăn ngô thì có thể cho ngô ngọt vào trước lúc thả cà chua xào vào để ngô không bị ngấm cay từ nước cốt lẩu Thái.

Khi cho ra nồi lẩu chuyên dụng, nên nhớ phải để nước sôi mới bắt đầu thả các nguyên liệu vào như hành lá, nấm, 1 ít rau muống, đậu phụ, thịt bò, bò viên, váng đậu...vào nhúng. Nếu thích ăn cay hơn nữa thì bạn có thể cho thêm sa tế.

Nếu sử dụng ngao thì nên cho vào cuối cùng. Nhiều người hiện nay vẫn hay lầm tưởng về việc cho ngao vào nồi lẩu ngay từ đầu để nước dùng ngọt, tuy nhiên điều này lại vô tình làm cho nước lẩu bị mặn vì ngao vốn dĩ đã mặn rồi.

món lẩu thái thập cẩm
Trút nước dùng sang nồi lẩu và sắp xếp bữa ăn

Công việc cuối cùng trước khi thưởng thức là pha nước chấm lẩu thái để chấm các loại rau, nấm, thịt bò, lòng heo...

Trên đây Cookbeo đã chia sẻ cách nấu lẩu Thái thập cẩm chua cay. Nồi lẩu thái có mùi vị chua cay rất đặc trưng và rất thơm bởi sự kết hợp của nhiều nguyên liệu, chưa kể đến nó có màu sắc rất đa dạng và đẹp mắt, rất lôi cuốn người dùng.

Cách làm khác

Nếu không sử dụng gói gia vị lẩu Thái, bạn có thể tham khảo cách làm sau:

  • Vẫn ninh xương như cách đã chia sẻ ở trên.
  • Cho 2 thìa canh dầu ăn vào chảo, làm nóng dầu thì phi thơm hành, tỏi, sả, gừng băm, 1 ít ớt bột, sa tế, 1 thìa canh dầu màu điều và 4-5 lá chanh. Sau đó tiếp tục cho cà chua và dứa vào xào rồi trút hỗn hợp này vào nồi nước dùng ninh xương. Nêm nếm gia vị vừa ăn gồm có muối rang khô, đường và nước cốt chanh để tạo vị chua.
Chủ đề liên quan: Lẩu thái
Bài viết này có hữu ích với bạn không?
cutlery cutlery icon